30/9/19

Từ câu chuyện “Cái bè qua sông”, lắng nghe lời Phật dạy về buông bỏ vật chất

Của cải vật chất chỉ là vật ngoài thân, chỉ giúp chúng ta vào một lúc nào đó trong đời, giống như chiếc bè kia thôi, chứ không phải là thứ ta chiếm hữu cả đời.


Vật chất đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống nhưng không thể quyết định tất cả. Câu chuyện dưới đây cùng lời Phật dạy về buông bỏ vật chất sẽ giúp bạn thấm thía hơn điều này.

1. Câu chuyện “Cái bè qua sông”

Từ câu chuyện “Cái bè qua sông”, lắng nghe lời Phật dạy về buông bỏ vật chất

Đây là một trong những câu chuyện cuộc sống vô cùng ý nghĩa trong cuộc đời Đức Phật. Một ngày nọ, Đức Phật kể cho các môn đồ về chuyện một người đàn ông muốn qua sông song lại bị kẹt lại ở trên bờ. Ở bên này sông đang có một hiểm nguy lớn đang chờ ông ta, còn bên kia sông lại rất an toàn. Tuy nhiên, chẳng có cây cầu hay chiếc phà nào để qua sông. Vậy ông ấy phải làm sao?

Sau khi suy nghĩ, người đàn ông một bờ sông đã đi nhặt những cành củi, lá cây và dây leo kết thành một chiếc bè, dùng nó để qua sông, thoát khỏi nguy hiểm rình rập, đến một nơi an toàn.

Đức Phật hỏi các môn đồ: "Theo các ngươi, sau khi qua sông rồi, người đàn ông sẽ nghĩ gì và làm gì? Phải chăng ông ta sẽ cho rằng, cái bè rất hữu ích khi đã giúp ông ta qua được cửa ải nguy hiểm, nên ông ta sẽ đeo nó trên lưng để tiếp tục cuộc hành trình trên đất liền?"

Nghe thấy vậy, các môn đồ đều cho rằng, cái bè quả thật rất hữu ích khi đưa ông ta qua sông, nhưng mang theo nó trên những chẳng đường tiếp theo không hợp lý chút nào.

"Nếu ông ta cẩn thận để lại chiếc bè bên bờ sông thì sao?" – Đức Phật hỏi.

"Đó đúng là một thái độ đúng đắn. Giờ đây chiếc bè đối với ông ta là vô tác dụng, ông ta nên biết buông bỏ, đặt nó bên bờ sông để nó có thể giúp ích cho những người khác" – Các môn đồ trả lời.

Đến lúc này Đức Phật mới hỏi lại tất cả: "Chẳng phải trong các ngươi, vẫn có những người giữ lại bên mình những thứ mà bản thân đã không còn cần đến nữa ư? Chẳng phải vì tiếc của, vì lòng tham và sự ích kỷ mà các ngươi vẫn không muốn tặng lại cho người khác hay sao?

Nên nhớ, của cải vật chất chỉ là vật ngoài thân, chỉ giúp chúng ta vào một lúc nào đó trong đời, giống như chiếc phà kia thôi, chứ không phải là thứ ta chiếm hữu cả đời.

Càng biết buông bỏ đúng lúc thì càng có nhiều người được giúp đỡ, và chính bản thân ta cũng được giải thoát khỏi gánh nặng, tâm tư trở nên nhẹ nhõm và thoải mái, không vướng bận".

Các môn đồ cúi đầu, im lặng…

2. Lắng nghe lời Phật dạy về buông bỏ vật chất qua câu chuyện

Từ câu chuyện “Cái bè qua sông”, lắng nghe lời Phật dạy về buông bỏ vật chất

2.1. Buông bỏ vật chất

Qua câu chuyện cuộc sống trên, Đức Phật đã khéo léo dạy cho chúng sinh bài học về việc buông bỏ vật chất. Có những thứ không còn cần thiết với ta nhưng lại rất ý nghĩa với người khác. 

Vì thế, hãy trao thứ ấy đến người thực sự cần đến nó. Điều ấy góp phần tạo dựng một thế giới tốt đẹp không có lòng tham ngự trị, con người sống với nhau vì tình vì nghĩa, nhân ái, hòa đồng.

Người xưa nói: “Không ai giàu ba họ, chẳng ai khó ba đời“, hàm ý sâu xa là thời vận luôn luôn biến đổi, vinh hoa phú quý cũng liên tục đổi dời. Vậy nên, đừng nhìn nhận một người ở của cải, tài vật mà họ đang có trong tay. Thứ ấy sau trăm năm đều biến thành hư ảo cả. Người ta chết rồi cũng chẳng mang được theo đi. Lúc nhắm mắt, ai cũng chỉ còn hai bàn tay trắng mà thôi. 

Thế nên, nếu có thể ra tay hiệp nghĩa, cứu giúp những người khó khăn hoạn nạn thì đừng chần chừ gì mà không làm. Hành động nhân văn ấy sẽ đem đến cho bạn phúc báo về sau. 

Sở dĩ phú quý không thể kéo dài là vì con người thường có lòng tham, không biết điểm dừng. Họ có tiền bạc rủng rỉnh, nhà lầu xe hơi, vợ hiền con đẹp nhưng lại chẳng bao giờ vừa ý, thỏa mãn. Họ dành cả đời này để đuổi theo hư vinh, sự xa hoa, cứ muốn kiếm thật nhiều tiền hơn nữa mãi.

Cứ lao đầu chạy theo mộng tưởng, cuối cùng, những con người ấy có thể đánh rơi những phẩm giá quý báu nhất của mình, trở nên vị tư, quên cách bố thí, quên cách nghĩ cho người khác. Như vậy, họ sẽ thất đức, bạc tiền có đầy núi, đầy kho rồi cũng tiêu tán cả.

2.2 Buông bỏ vật chất, đồng thời hãy buông bỏ những ngột ngạt trong cuộc sống này

Lắng nghe lời phật dạy về buông bỏ vật chất, câu chuyện về chiếc bè mang nhiều nội hàm sâu xa. Chiếc bè mà Đức Phật nói đến không chỉ là yếu tố vật chất, mà còn là những con người, những mối quan hệ, những suy nghĩ khiến ta thấy ngột ngạt trong một xã hội phức tạp như hiện nay.

Con người ai cũng tồn tại những góc khuất và sự ích kỉ của riêng mình. Họ thường có xu hướng quen và gắn bó với những thứ ở bên mình một thời gian, và dù chúng có trở nên xấu đi, trở thành gánh nặng với bản thân thì họ cũng không nỡ bỏ đi. Cứ cố níu kéo, gìn giữ chỉ khiến bản thân thêm mệt mỏi, trong khi đó, trao đi cho người khác lương tâm được thanh thản, tại sao lại không làm?

Hãy luôn nhớ rằng những thứ phù phiếm bên cạnh cũng có thể giống như một chiếc bè với ta mà thôi. Chúng chỉ có thể gắn bó với chúng ta trong một khoảng thời gian nhất định trong cuộc sống chứ không thể trường tồn mãi mãi. Đến con người còn không vượt qua khỏi quy luật sinh - lão - bệnh - tử, huống chi là những thứ vô tri, phù phiếm?

Hãy trân trọng từng khoảnh khắc hiện tại trong cuộc đời này. Đến một lúc nào đó, cần buông bỏ thì hãy buông bỏ, đừng cố níu kéo, giành giật hay đau khổ vật vã làm gì. Đó mới là cách cư xử của một người khôn ngoan.

Theo Lichngaytot

Vui lòng trích dẫn link nguồn khi copy nội dung bài viết này! Trân trọng cảm ơn

Bài cũ hơn
Bài mới hơn

post written by:

0 comments: