19/1/23

Cây thiết trụ tại New Delhi – gậy Như Ý của Tôn Ngộ Không lưu lạc tại nhân gian?

cay-thiet-tru-tai-new-delhi-gay-nhu-y-cua-ton-ngo-khong-luu-lac-tai-nhan-gian

Nói đến cây gậy Như Ý của Tề Thiên Đại Thánh Tôn Ngộ Không thì thực là không ai không biết, không ai không hiểu. Năm đó sư đồ Đường Tăng bốn người đã đi đến Tây Thiên thỉnh Kinh Phật, trải qua chín chín tám mươi mốt ma nạn, cuối cùng đắc chính quả. Thần khí Kim Cô bổng cũng đã lập được công lao lớn…

Tôn Ngộ Không cuối cùng đã được Phật Tổ phong là Hoạch Phong Đấu Chiến Thắng Phật, thoát ly phàm trần trở về Thiên giới. Vậy còn cây gậy Kim Cô bổng đã đi đâu? Nó đã công thành thân thoái hồi về biển Đông Hải, tiếp tục làm cây trâm thần trấn hải ư? Hay là nó đã được các hòa thượng của chùa Tây Thiên Đại Lôi Âm tự lưu lại làm vật kỷ niệm?

Nói thì như đùa, thực ra là quá khéo. Mảnh đất mà Đường Huyền Trang hướng Tây thiên đi lấy chân Kinh chính là Ấn Độ, nơi chân thực có một cây thiết trụ như vậy, so với cây gậy Kim Cổ bổng của Tôn Ngộ Không rất tương tự. Đây chính là di tích cổ thịnh danh nhất ở Ấn Độ – cây thiết trụ (cột sắt) New Delhi.

cay-thiet-tru-tai-new-delhi-gay-nhu-y-cua-ton-ngo-khong-luu-lac-tai-nhan-gian
Cây thiết trụ (cột sắt) New Delhi (Nguồn: Wikipedia)

Cây cột sắt đứng trong sân của Thanh Chân Tự (Đền thờ Hồi giáo Quw-watul Islam Mosque), với chiều cao 7,2m và đường kính 40,6cm, so với Kim Cô bổng “to lớn, dài hơn hai trượng” thì không sai khác bao nhiêu.

Tuy nhiên, điểm giống nhau giữa cả hai không hoàn toàn ở ngoại hình, mà là ở vật chất, bởi vì chúng đều có thân “kim cương bất hoại”, không bao giờ rỉ sét.

Kim Cô bổng nguyên là sắt quý của danh Thần, được Đại Vũ trị thủy sử dụng, sau khi công thành thì lưu lại ở biển Đông Hải, trở thành bảo vật trấn hải, tới khi Tôn Ngộ Không lấy ra, tính sơ sơ nó đã ở trong nước biển khoảng hai ngàn năm, mà hoàn toàn không rỉ sét mục nát. Bạn cần biết rằng sắt thuộc về kim loại dễ bị gỉ sét nhất trong tất cả các kim loại. 

Những bạn đã từng sử dụng chậu sắt ở nhà đều biết rằng, hôm nào quên lau khô chậu, hôm sau vết rỉ màu da cam liền bám vào đáy chậu, mọc nhanh hơn nấm sau mưa. Còn nếu như sắt kia dám ngâm mình trong nước biển? E rằng chưa đầy chục năm thì thần quy thần, thổ quy thổ, hóa thành bụi mà trôi theo dòng hải lưu.

Tất nhiên, có thể bạn sẽ nói, Thần khí mà, đã được Lão Tôn luyện đan luyện thành, nung ba lượt trong chân hỏa (lửa trên Thiên thượng), tất nhiên phải khác.

Bây giờ, chúng ta hãy xem cây thiết trụ ở Delhi này. Theo truyền thuyết, cây cột sắt này được cho là có từ khi Thanh Chân Tự được xây dựng từ thế kỷ 13, được di dời từ một ngôi Thần miếu nào đó đến đó để làm vật liệu xây dựng. Nhưng có vẻ như không có chỗ nào thích hợp để sử dụng nó, nên người ta lưu nó lại trong tự viện để nó tự sinh tự diệt.

Nào ngờ một năm trôi qua, mười năm trôi qua, trăm năm trôi qua, nhưng cây cột vẫn đứng đó, mặc cho nắng mưa gió bão, nó vẫn không rỉ không mục, quang khiết như thuở ban đầu. Dần dần, mọi người đều biết được sự thần kỳ của cây thiết trụ này, một truyền mười, mười truyền trăm, cây thiết trụ đã trở thành kỳ quan của tự viện.

Đã hơn 700 năm trôi qua kể từ đó, ngôi đền mới năm ấy giờ đây đã trở thành phế tích, nhưng cột sắt vẫn đứng sừng sững không tì vết, chỉ trừ một vài vết sẹo nhỏ, không có dấu vết của năm tháng, như thể bảy trăm năm đối với nó chỉ là một cơn gió thoảng.

Tại sao cột sắt này lại thần kỳ như vậy? Đầu tiên chúng ta hãy xem sắt được luyện ra như thế nào nhé.

Thành phần chủ yếu của quặng sắt là oxit sắt. Quá trình luyện sắt là đốt cháy carbon và quặng sắt cùng nhau. Carbon monoxide (CO) được hình thành khi đốt carbon ở nhiệt độ cao sẽ kết hợp với oxy trong quặng sắt tạo thành carbon dioxide (CO2), biến thành khí và bay đi, phần còn lại là sắt. Tuy nhiên, do cả hai được đốt cháy cùng nhau, nên lượng carbon dư thừa sẽ được trộn lẫn trong khối sắt. Vì vậy, sắt tinh luyện thực sự là một hợp kim sắt và carbon.

Trong môi trường ẩm ướt, sắt và carbon dựa vào nước tạo thành chất điện giải để phát sinh phản ứng nguyên điện trì (như trong cục pin tiểu). Carbon đóng vai trò là điện cực dương, trong khi sắt đóng vai trò là điện cực âm, kết hợp với oxy hòa tan trong nước để tạo ra oxit sắt – đó là gỉ sắt, từ đó mà sắt bị ăn mòn.

Vì vậy, về mặt lý thuyết, nếu bạn muốn sắt không bao giờ bị gỉ, bạn chỉ có thể loại bỏ hoàn toàn carbon. Và điều này rất khó thực hiện trong gia công. Hiện tại, độ tinh khiết của sắt rèn với hàm lượng carbon thấp nhất, đã đạt tới 99,98%, nhưng với khí hậu ẩm ướt như Ấn Độ, ước tính nó sẽ không thể chịu được hai mùa mưa. 

Còn thép không gỉ inox thực chất chỉ có một lớp màng bảo vệ, chống gỉ tốt hơn thép thường, nhưng carbon vẫn còn, tức là cơ chế hình thành gỉ vẫn còn, nên sau thời gian lâu nó sẽ rỉ.

Vậy làm sao cây thiết trụ Delhi trong phàm trần có thể sánh được với cây gậy Kim Cô thần kỳ của Tôn Ngộ Không? Mặc dù các nhà khoa học đã đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau trong những thập kỷ gần đây, rằng cột sắt này có thể chứa các thành phần khác ngăn chặn quá trình oxy hóa sắt – nhưng không ai có thể phục chế ra một cục sắt có vật chất đồng đẳng như vậy theo lý luận của họ. 

Vì vậy, lời giải thích hợp lý nhất là do độ tinh khiết cực cao, chứ không phải thêm bất kỳ chất bảo quản nào. Công nghệ làm ra nó thế nào, vẫn còn là một bí ẩn.

Đây là lý do tại sao một số học giả tin rằng cây thiết trụ có thể đến từ nền văn minh tiền sử. Một dòng chữ cổ trên thiết trụ dường như xác nhận điều này. Có ba đoạn văn tự khắc trên cột sắt, mô tả công tích của một vị quân vương vĩ đại, và trường cảnh cuối cùng khi ông ấy ra đi. Vị quân vương này tên là Chandra.

Một số nhà sử học tin rằng nó có thể ám chỉ Chandler Gupta II, một vị quân vương kiệt xuất vào thế kỷ thứ tư sau Công nguyên. Nhưng nếu cây thiết trụ này được làm vào thời đại đó, thì niên đại của nó không quá xa xôi, lịch sử cũng không bị gián đoạn, vậy cứ cho là công nghệ chế tạo bị thất truyền, thì cũng phải còn lưu lại đến ngày nay một lượng lớn những đồ sắt bền bỉ đương thời, ví như các loại xoong nồi, chén bát, bình, chậu… bởi chúng không hoen rỉ. Nhưng thực tế thì không có những đồ như vậy.

Vì vậy, một số học giả Ấn Độ tương đối khai minh hơn tin rằng, cây thiết trụ này có thể có từ thời kỳ văn minh tiền sử, và vị vua được bia ký ca ngợi có lẽ là Rama Chandra, nhân vật chính của sử thi Ấn Độ “Ramayana”.

Rama là vị vua vĩ đại nhất trong truyền thuyết của Ấn Độ, ông sống ở thời thượng cổ xa xưa, và vị trí của ông trong văn hóa Ấn Độ giống như Tam Hoàng Ngũ Đế của Trung Quốc. Trong thời gian trị vì của mình, ông đã tiêu diệt quỷ vương Robona với sự giúp đỡ của khỉ thần Hanuman và đội quân khỉ, đồng thời xác lập các tiêu chuẩn tôn giáo và đạo đức của nhân thế.

cay-thiet-tru-tai-new-delhi-gay-nhu-y-cua-ton-ngo-khong-luu-lac-tai-nhan-gian
Văn tự trên cây thiết trụ (Nguồn: Wikipedia)

Dòng văn tự khắc trên thiết trụ mô tả hoàn cảnh khi vị quân vương ly thế: “Ngài tựa hồ như đã chán ghét mỏi mệt thế giới này, và Ngài đã ly khai nơi này. Vì công đức và công tích của mình, nhục thân của Ngài đã đến một thế giới khác trong hình thái thực thể. Dù Ngài đã rời khỏi thế giới trần tục này, nhưng những sự tích và mỹ danh của Ngài sẽ vĩnh viễn được truyền tụng trên đại địa“.

Đoạn mô tả: “Vì công đức và công tích của mình, nhục thân của Ngài đã đến một thế giới khác trong hình thái thực thể…” điều này hoàn toàn tương tự với “Bạch nhật phi thăng” trong văn hóa Đạo gia của Trung Quốc, sau khi một người tu luyện công thành viên mãn.

Tương truyền, Hoàng Đế (một vị vua trong ‘Tam Hoàng Ngũ Đế’ của Trung Quốc cũng đã “bạch nhật phi thăng” mà ly khai nhân thế. Trong “Sử ký-Hiếu Vũ bổn ký”, Thái sử công Tư Mã Thiên có miêu tả như sau: “Hoàng Đế thải Thủ San đồng, chú đỉnh ư Kinh San hạ. Đỉnh kí thành, hữu long thùy hồ nhiêm hạ nghênh Hoàng Đế thượng kị. Quần thần hậu cung tòng thượng long thất thập dư nhân khứ. Dư tiểu thần bất đắc thượng nãi tất trì long nhiêm long nhiêm bạt đọa Hoàng Đế chi cung. Bách tính ngưỡng vọng Hoàng Đế kí thượng Thiên, nãi bão kì cung dữ long hồ nhiêm hào, cố hậu thế nhân danh kì xứ viết Đỉnh Hồ, kì cung viết Ô Hào”.

Ý tứ là: Hoàng Đế lấy đồng khai thác từ Thủ Sơn để đúc đỉnh dưới chân núi Kinh Sơn. Khi hoàn công, một chú rồng hạ xuống từ Thiên thượng với bộ râu bay phấp phới, nghênh đón Hoàng Đế cưỡi trên lưng mình. Hoàng Đế hiểu ý và cưỡi lên. Khi thấy vậy, các phi tần và triều thần có mặt cũng lần lượt trèo lên lưng rồng, tổng cộng có hơn bảy mươi người. Những người khác không lên được phải nắm râu rồng. 

Tiếc rằng lòng phàm quá nặng, râu rồng đứt, chiếc cung vàng của Hoàng Đế cũng rơi theo, ai nấy cũng đều ngã theo. Bách tính ngưỡng vọng nhìn theo Hoàng Đế thượng thiên, ôm râu rồng mà khóc lóc. Sau đó nơi này được gọi là Đỉnh Hồ, và hiện nay nó nằm ở thành phố Linh Bảo, tỉnh Hà Nam. Nơi mà cây cung của Hoàng Đế rơi xuống được gọi là Ô Hiệu.

Thái sử công Tư Mã Thiên ghi chép lại lịch sử rất nghiêm cẩn, những truyền thuyết thượng cổ loại này ông đều phải kinh qua khảo chứng thực địa mới ghi chép lại. Do đó câu chuyện Hoàng Đế cưỡi rồng thăng Thiên hầu hết đều là điều chân thực xảy ra. Kỳ thực, Hoàng Đế, ngoài việc cần cù chuyên tâm công việc triều chính, làm một hoàng đế tốt, ngài đồng thời còn là một người tu Đạo, được hậu thế tôn là ông tổ của Đạo gia, cuối cùng tu thành “bạch nhật phi thăng”, được rồng thần đến đón đi, cũng chính là đã viên mãn quy vị.

Hãy trở lại với vị vua Ấn Độ Rama. Trên thực tế, khi Rama còn sống, giống như Hoàng Đế, ngài cũng là một người tu luyện. Từ Sử thi Ramayana có thể lược tri một vài câu: “Trong hơn một nghìn năm qua, khi khát vọng của tôi đối với vật ngoại thân luôn lấn lướt và không thể đè nén xuống, tôi chìm xuống trong cảm quan hưởng thụ. Vì vậy bây giờ, tôi muốn vứt bỏ chúng đi, tâm lãnh của tôi sẽ hướng về Đại Phạn…”, chính là nói, tu bỏ đối với chấp trước cảm quan dục vọng mới có thể hồi quy về Thần giới.

“Thoát khỏi sự ngạo mạn và vọng tưởng, tiêu trừ sự lệ thuộc vào cái ác… không vì thống khổ và khoái nhạc mà bị liên lụy, chúng chính là phi hư huyễn địa trên con đường hướng tới cảnh địa vĩnh hằng”. Chính là nói, cần phải trừ bỏ trong tư tưởng những vọng niệm, đạt đến cảnh giới “bất dĩ vật hỉ, bất dĩ kỷ bi” – giữ được cái tâm bất động, mới có thể đạt đến sinh mệnh vĩnh hằng.

cay-thiet-tru-tai-new-delhi-gay-nhu-y-cua-ton-ngo-khong-luu-lac-tai-nhan-gian
Tranh vẽ Ramayana (Nguồn: Wikipedia).

Sử thi “Ramayana” cuối cùng đã nói rằng, sau khi đức vua Rama nói cho hai con trai của mình về việc hậu sự, ngài cùng với em trai của mình và đội quân khỉ Hanuman an tâm hồi quy về trời. Rất nhiều người cùng nhau thăng lên – kết hợp những mô tả trong Sử thi, trường cảnh chân thực so với trường cảnh Hoàng Đế ly thế không khác nhau nhiều, đều thuộc về “bạch nhật phi thăng” sau khi tu thành viên mãn.

Ví dụ, đoạn mô tả trong Sử thi như sau: “Hôm ấy, Rama dẫn đầu chúng nhân đến thắp hương tế Thiên, đột nhiên Thiên môn mở rộng, tiên nhạc phiêu phiêu, hai con thiên mã kéo phi xa từ từ giáng hạ. Vua Rama và những người bên ngài ngồi lên phi xa rồi bình thản rời đi, biến mất trong những đám mây lành. Trên thiên không giáng xuống mưa hoa ngũ sắc, kèm theo hương thơm lan tỏa, kéo dài rất lâu không dứt. Những chúng nhân còn lại mắt đẫm lệ, bái sụp dưới đất, đưa tiễn vị quân vương vĩ đại đi xa mãi. Cảnh tượng này mãi mãi không thể nào quên được”.

Vì vậy, hậu nhân đã đúc lên một cột tưởng niệm, để ghi nhớ công ơn của vị quân vương vĩ đại này, kỳ vọng sẽ tuyên khắc sự kiện bất hủ này vào cây thiết trụ thuần khiết, lưu truyền cho hậu thế, cho đến ngàn thu, cho đến vạn đại, cho đến khi địa lão, cho đến lúc thiên hoang, cho đến ngày mạt thế của nhân loại. Con người ngày nay đã quên đi Thần minh, quên đi sự mỹ lệ của thế giới khi Thiên Địa mới được khai sáng từ thuở nguyên sơ, hoặc, cũng có người chạm chạm một chút, xem xem một chút, rồi hỏi: “Nguyên lai chân thực có Thần tích ư?”

Đây là câu chuyện đằng sau cây thiết trụ Delhi – Một linh hồn cổ lão lặng lẽ chờ đợi ngàn năm trong cô đơn, đợi ai đó viết ra câu chuyện của nó, đợi ai đó có thể hiểu được câu chuyện này.

Theo Epoch Times, https://www.dkn.tv/van-hoa/cay-thiet-tru-tai-new-delhi-gay-nhu-y-cua-ton-ngo-khong-luu-lac-tai-nhan-gian.html
Hương Thảo biên dịch

Vui lòng trích dẫn link nguồn khi copy nội dung bài viết này! Trân trọng cảm ơn

Bài cũ hơn
Bài mới hơn

post written by:

0 comments: