4/9/19

Dược Sư Như Lai – Đức Phật phát nguyện chữa bệnh, chữa nghiệp cho chúng sinh

Dược Sư Như Lai hay còn gọi là Phật Dược Sư khi tu thành đắc đạo đã phát nguyện mong muốn giải trừ tất cả bệnh khổ cho chúng sinh, cả về thân bệnh và tâm bệnh.

Dược Sư Như Lai là ai?

Dược Sư Như Lai – Đức Phật phát nguyện chữa bệnh, chữa nghiệp cho chúng sinh

Phật Dược Sư có tên gọi đầy đủ là Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai, gọi tắt là Dược Sư Như Lai, còn có tên gọi là Dược Vương Bồ Tát, tên tiếng Phạn của Ngài là Bhaisa-iya-guru Vaidurya-prabharajyah. 

Theo quan niệm Phật giáo, chư Phật, Bồ tát ứng thân thị hiện ra đời là vì có lòng thương xót chúng sinh, mong muốn cứu vớt chúng sinh ra khỏi bể khổ.

Với mong muốn cứu độ chúng sinh thoát khỏi khổ đau sinh tử, thoát bệnh thoát nghiệp, thanh tịnh với đời nên Phật Dược Sư có hiện thân là ánh sáng trong suốt và thanh khiết, được ví như Lưu Ly Quang. 

Nguyện ước của Phật Dược Sư trong khi tu hành Bồ Tát đạo chính là giải trừ bệnh khổ cho chúng sinh, chữa bệnh và chữa nghiệp cho họ. Thân bệnh và Tâm bệnh đều được chữa khỏi, chúng sinh sẽ có đủ căn lành, có thể tu luyện để giải thoát chính mình.

Phật Dược Sư sau khi tu thành Phật thì trụ ở thế giới Tịnh Lưu Ly, là nơi trang nghiêm, thanh tịnh như nơi Cực Lạc. Cùng với sự giúp sức của 2 vị Bồ Tát là Nhật Quang Biến Chiếu và Nguyện Quang Biến Chiếu, Phật Dược Sư phát tâm giáo hóa chúng sinh, giúp chúng sinh hiểu ra được bệnh và nghiệp của mình do đâu mà đến, làm thế nào để mất đi.

12 lời nguyện của Dược Sư Như Lai

Dược Sư Như Lai – Đức Phật phát nguyện chữa bệnh, chữa nghiệp cho chúng sinh
1. Nguyện khi Ta đắc đạo Bồ đề, thân đủ 32 tướng tốt thì sẽ có tự thân hào quang sáng khắp vô lượng thế giới, giúp cho chúng sinh cũng được như Ta.

2. Nguyện khi Ta thành Phật, thân ta tự sáng trong như ngọc lưu ly, sạch không tỳ vết, hào quang sáng chói như ánh mặt trời, soi rọi cho chúng sinh thoát khỏi chốn tối tăm, đạt được sở nguyện. 

3. Nguyện khi Ta thành Phật, có đủ vô lượng trí huệ, giúp cho chúng sinh có được cuộc sống ấm no, thân tâm không phải chịu khổ đau. 

4. Nguyện khi Ta thành Phật, nếu chúng sinh lỡ đi theo tà đạo thì kịp thời tỉnh trí quay về chính đạo, hàng Nhị thừa sẽ được Ta giúp cho hướng về Nhất thừa.

5. Nguyện khi Ta thành Phật, nếu chúng sinh biết nương theo giáp pháp của Ta mà tu hành thì đủ Giới tam tụ. Nếu ai lỡ lầm đường phạm giới có nghe thấy tên Ta thì cũng thanh tịnh giới, thoát khỏi ác đạo. 

6. Nguyện khi Ta thành Phật, chúng sinh thân thế hèn kém, căn cơ không đủ, tâm trí xấu xa, ngu ngốc, điên cuồng bệnh khổ, khi nghe thấy tên Ta, niệm tên Ta thì sẽ thoát khỏi sự giày vò của bệnh khổ, có được khôn ngoan, tốt đẹp. 

7. Nguyện khi Ta thành Phật, nếu chúng sinh lâm cảnh lầm than, mắc phải bệnh tật, nghèo khổ túng thiếu, không chốn nương thân, không người giúp đỡ, bần cùng khốn khổ mà nghe thấy tên Ta thì sẽ được thân tâm yên lành, gặp được quyến thuộc, có người giúp đỡ, cuộc sống ấm no đủ đầy, được giúp đỡ tu đắc đạo Bồ đề.

8. Nguyện khi Ta thành Phật, nếu nữ nhân bị khinh rẻ khi dễ, gặp chuyện khổ não, sinh lòng chán ngán, muốn thoát khỏi thân gái mà nghe thấy tên Ta thì có thể bỏ thân nữ nhan, chuyển gái thành trai, có tướng trượng phu mà đắc đạo Bồ đề. 

9. Nguyện khi Ta thành Phật, chúng sinh đang trong vòng ma đạo có thể tìm về với chánh pháp, chúng sinh đang lạc trong ác kiến sẽ được dẫn về với chánh kiến, tu Bồ tát hạnh mau chứng đạo Bồ đề.

10. Nguyện khi Ta thành Phật, nếu chúng sinh vì sai trái pháp luật mà bị trừng trị, trói buộc, giam giữ cầm tù hay vô tình gặp tai nạn, lấn hiếp nhục nhã mà âu sầu, thân tâm chịu khổ, chỉ cần nghe thấy tên Ta đều có thể thoát khỏi mọi lo khổ, giải thoát cho chính mình. 

11. Nguyện khi Ta thành Phật, chúng sinh đang chịu đói khát, vì miếng ăn mà gây nên nghiệp ác khi nghe thấy tên Ta, chuyên tâm trì niệm thì sẽ được Ta cấp cho đồ ăn thức uống no đủ thân thể, sau đó được ta thuyết Pháp cho tu hành đắc đạo, thanh thản về tâm hồn. 

12. Nguyện khi Ta thành Phật, chúng sinh hữu tĩnh nghèo khổ, đến áo không có mà mặc, bị ruồi muỗi châm chính, bị đói rét nóng lạnh bức khổ đêm ngày, khi nghe tên Ta mà nhất tâm trì niệm thì đat được sở cầu sở nguyện, có đủ cơm ăn áo mặc. 

Phật Dược Sư chữa bệnh và chữa nghiệp như thế nào?

Dược Sư Như Lai – Đức Phật phát nguyện chữa bệnh, chữa nghiệp cho chúng sinh

Trước tiên, chúng ta cần hiểu “Dược Sư” trong tên Phật Dược Sư Như Lai nghĩa là gì. Theo nghĩa đen thì “Dược sư” ở đây có nghĩa là thầy thuốc chữa bệnh. Phật Dược Sư là người thông tuệ, có sự hiểu biết sâu rộng về y dược của thế gian.

Dược Sư Như Lai không chỉ chữa Thân bệnh mà còn chữa cả Tâm bệnh nữa. Chúng sinh có vô vàn bệnh khổ, có cái xuất phát từ thân thẩn do bệnh tật, ốm đau, có cái lại bắt nguồn từ những vọng tưởng điên rồ, do phiền não, do tham, sân, si mà ra. 

Theo Kinh Dược Sư thì Đức Phật luôn có lòng hướng đến những người đang bị bệnh tật giày vò ngày đêm, những người nghèo khó mà mắc chứng nan y. Ngài thương xót những người bị giam nhốt trong khổ sở ngục tù và cả những người bị cầm tù trong chính tâm trí của mình. 

Phật Dược Sư phát nguyện lo cho chúng sinh có đủ cơm ăn áo mặc, không phải chịu đói rét, bệnh tật. Ngài cũng sẽ cứu vớt chúng sinh – những người lầm đường lạc lối, hướng họ thoát khỏi tà đạo, ngoại đạo để về với chính đạo, cứu giúp những người bị bùa chú làm hại…

Phật Dược Sư dùng Lưu Ly Quang (ánh sáng lưu ly) để chỉ lối soi đường, cứu vớt chúng sinh. Lưu Ly Quang được miêu tả là “trong ngoài sáng suốt, tinh sạch hoàn toàn, không chút nhơ bẩn, ánh quang minh chói lọi khắp nơi.

Đức Phật Dược Sư có ánh sáng lưu ly làm pháp khí, xóa tan những khổ đau do tăm tối vô minh gây ra, giúp chúng sinh tiêu diệt những bệnh khổ thân tâm, lìa xa mê vọng mà giác ngộ, giải thoát cho chính mình, tìm được lợi lạc trong đời. 

Đức Dược Sư từ bi hỷ xả, không từ chối chữa trị cho những chúng sinh hữu tình phạm phải việc ác. Ngài không chỉ cứu chữa cho những người thiện lành mà đối với chúng sinh tâm địa không tốt cũng không từ bỏ.

Với những kẻ theo tà đạo, phạm giới, ác nhân ác nghĩa, bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ… mang nghiệp ác, Dược Sư Như Lai sẽ giúp họ thoát khỏi bể khổ, hướng về chánh pháp, tìm được đường về lẽ phải, từ từ tu luyện mà đạt được đạo hạnh, tự giải thoát cho mình. 

Ai có thể cầu nguyện Phật Dược Sư?

Dược Sư Như Lai – Đức Phật phát nguyện chữa bệnh, chữa nghiệp cho chúng sinh

Theo giáo lý nhà Phật, bất cứ ai sống trên đời cũng đều có thể phát tâm cầu nguyện Phật Dược Sư, xin Đức Phật Dược Sư cứu giúp cho mình thoát khỏi bệnh tật, khổ tâm. Phật Dược Sư không phân biệt kẻ giàu người nghèo, kẻ ác người lành, người có bệnh hay không có bệnh, ai có tâm nguyện cầu cũng đều được Đức Phật chở che, chỉ đường dẫn lối cho thoát khỏi bể lầm than.

Nếu tìm hiểu về bản nguyện của Đức Phật Dược Sư, chúng ta có thể thấy rõ rằng tất cả những việc làm thiện lành, phúc đức trên đời này đều nằm trong bản nguyện của Đức Phật. 

Dược Sư Như Lai luôn mong muốn dẫn dắt chúng sinh đi theo ánh sáng nhiệm màu của nhà Phật. Thực hành theo Đức Phật Dược Sư có thể trị bệnh cho bản thân, gia đình và cả những người khác nữa. Đức Phật sẽ giúp hành giả tìm lại bình yên, chiến thắng bệnh tật ở cả Thân và Tâm, thoát khỏi tham lam, sân hận và si mê.

Phép tu trong Phật Dược Sư không hề trái với Luật Nhân Quả của nhà Phật. Không phải kẻ ác không phải đền tội, không phải người tâm địa xấu xa không phải gánh nghiệp mà đi theo Phật Dược Sư, chúng sinh sẽ dần dần hiểu được về thiện lành, từng bước giải quyết Nghiệp chướng của chính mình.

Cầu nguyện Dược Sư Như Lai không chỉ để chữa bệnh, để được ít bệnh ít khổ mà còn là để nhận ra tội lỗi của mình mà sửa chữa. Có 3 bước Sám hối – Niệm Phật – Tu đối trị, tức là bình tâm nhận ra sai trái mình phạm phải, sám hối về những tội lỗi của mình, niệm Phật phát nguyện thành tâm sửa chữa sai lầm trong quá khứ, lấy đó làm Nhân lành để hóa giải những Nhân ác trước đó, sửa Quả ác trở thành Quả lành. 

Tụng niệm Kinh Dược Sư như thế nào để linh nghiệm nhất?

Dược Sư Như Lai – Đức Phật phát nguyện chữa bệnh, chữa nghiệp cho chúng sinh

Kinh Dược Sư được lưu truyền cho đến bây giờ, nội dung tuy không quá dài nhưng lại có chiều sâu, có sự phong phú mà không phải ai cũng có thể nhanh chóng thấm nhuần, cần dành thời gian tìm hiểu từng ngày từng ngày thì mới mong phần nào hiểu được. 

Kinh Dược Sư chủ yếu giảng về bản nguyện và công đức của Đức Phật Dược Sư Như Lai với nội dung vô cùng phong phú. 

Theo hòa thượng Thích Trí Quảng, khi tụng niệm Kinh Dược Sư, chúng ta cần phải “Đọc tụng, suy tư, dạy người làm phúc”. Nói vậy có nghĩa là bản thân chúng ta trước tiên phải đọc niệm kinh, dành thời gian suy ngẫm, tìm tòi để biết thêm, hiểu thêm về những điều màu nhiệm trong đó, tìm cách để ứng dụng lời Phật dạy để cứu giúp chúng sinh. 

Tụng niệm Kinh Dược Sư mục đích cuối cùng không chỉ là để cứu vớt bản thân thoát khỏi bể khổ, ít bệnh ít khổ mà còn cần phải cứu giúp cả những người xung quanh, tích đức hành thiện, giúp cho mọi người hiểu rõ về sai trái của mình mà sửa đổi để nhận được phúc lành. 

Khi trì niệm hồng danh Đức Dược Sư, mặc dù Ngài có nhiều pháp danh nhưng có thể niệm hồng danh là “Nam mô Dược sư Lưu ly Quang Phật” hay “Nam mô Dược sư Lưu ly Quang Vương Phật”.

Nhờ vào năng lực bản nguyện của Dược Sư Như Lai, chúng sinh chỉ cần đơn giản là thọ trì danh hiệu của Ngài thôi cũng sẽ được Ngài che chở, giúp cho tiêu trừ bệnh khổ, đạt được sở nguyện sở cầu. 

Khi niệm hồng danh Đức Dược sư, chúng ta cũng cần phải phát tâm nguyện có đủ Tín – Nguyện –Hạnh. Cũng giống như phương thức niệm Phật A di đà, khi niệm Phật Dược sư có thể niệm thầm, cũng có thể niệm ra tiếng hay niệm nhất tâm, lần tràng hạt… đều được.

Hàng ngày thành tâm trì niệm danh hiệu Dược Sư Như Lai ít nhất 108 lần là có thể phần nào thấy được công dụng ứng nghiệp, bệnh hết nghiệp tan. Cụ thể như sau:

1. Diệt tâm tham lam, phát tâm bố thí.
2. Diệt bỏ tội lỗi, đạt được giữ giới.
3. Diệt tâm ganh ghét, sân si, đạt được giải thoát.
4. Diệt tâm hại người, đạt tâm thương người.
5. Thoát khỏi bể khổ, tái sinh cực lạc hay chuyển sinh khác.

Mọi sự mong cầu nếu nhất tâm chánh niệm sẽ được Đức Phật Dược Sư chứng giám. Tâm địa thiện lành thì con đường đến với chánh pháp cũng sẽ hanh thông thuận lợi hơn. Tâm địa xấu xa thì cần phải tự giải thoát bản thân khỏi những tham sân si, hướng về chánh pháp, tu luyện đức hạnh Bồ tát mà được chứng nguyện. 

Theo Lichngaytot

Vui lòng trích dẫn link nguồn khi copy nội dung bài viết này! Trân trọng cảm ơn

Bài cũ hơn
Bài mới hơn

post written by:

0 comments: