4/9/19

Lời Phật dạy về khiêm tốn: Đức hạnh khiêm nhường mới là đỉnh cao của sự tu dưỡng

Lời Phật dạy về khiêm tốn giúp ta hiểu ra rằng chỉ khi nào con người biết khiêm tốn thì mới dễ thành công và nhận được phúc báo. Làm người phải biết khiêm tốn, lấy khiêm nhường làm thước đo để hành xử. Đó mới chính là đỉnh cao của sự tu dưỡng bản thân.


Lời Phật dạy về khiêm tốn: Đức hạnh khiêm nhường mới là đỉnh cao của sự tu dưỡng

Câu chuyện thứ 1: Ve sầu và chim nhạn

Thời xa xưa khi ve sầu còn chưa biết bay, một ngày nọ, nhìn thấy một con chim nhạn tự do bay lượn trên bầu trời rộng lớn, ve sầu vô cùng ngưỡng mộ.

Ve sầu mời chim nhạn về dạy mình cách bay. Chim nhạn đồng ý.

Nhưng học bay nào phải chuyện dễ dàng. Ve sầu sợ khổ lại nóng lòng muốn biết bay thật nhanh, hết chạy Đông lại chạy Tây, nhấp nhổm không nghiêm túc.

Chim nhạn vẫn bình tĩnh giảng giải kĩ càng cho ve sầu về cách bay, ve sầu nghe câu được câu không, chỉ luôn miệng đáp "Biết rồi! Biết rồi!"

Sau đó, chim nhạn để ve sầu bay thử, quả thực ve sầu đã cất cánh bay được. Ve sầu nghĩ bụng, hóa ra bay cũng chẳng khó như ta nghĩ!

Mùa thu đến, chim nhạn phải bay về phương Nam. Ve sầu rất muốn giương cánh bay cao đi theo chim nhạn, thế nhưng dù nó có cố vẫy cánh đến đâu cũng không thể bay cao như chim nhạn được.

Lúc đó, ve sầu nhìn chim nhạn liệng cánh bay lượn ở trên bầu trời bao la mới thấy hối hận bản thân quá tự mãn. Dù nó có cố gắng luyện tập đến đâu cũng đã muộn rồi. 

Bài học rút ra:

Trong cuộc sống, có không ít người giống như ve sầu kia. Mới học được một giọt nước đã nghĩ mình biết cả đại dương.

Tự mãn khiến cho ánh mắt chúng ta trở nên thiển cận, bằng lòng với hiện tại; lười biếng khiến chúng ta giậm chân tại chỗ, vuột mất những cơ hội quý giá.

Câu chuyện thứ 2: Lão thiền sư và Phật tử

Lời Phật dạy về khiêm tốn: Đức hạnh khiêm nhường mới là đỉnh cao của sự tu dưỡng

Một Phật tử có trình độ học vấn thâm sâu, nghe nói trong ngôi chùa nọ có một vị lão thiền sư đức cao vọng trọng liền muốn tới viếng thăm.

Tới nơi, chỉ có học trò của lão thiền sư ra tiếp người đó. Thái độ của người này trở nên ngạo mạn, nghĩ trong đầu: "Mình là Phật tử có trình độ thâm sâu, liệu ông ta xếp thứ mấy?"

Sau đó, lão thiền sư ra tiếp đón người này vô cùng cung kính, còn tự tay pha trà mời khách.

Nhưng khi đang rót trà, rõ ràng ly đã đầy mà lão thiền sư vẫn không ngừng tay rót. Người kia thấy vậy mới hỏi: "Đại sư, tại sao ly đã đầy mà ông vẫn không ngừng rót?"

Đại sư trả lời: "Đúng vậy, nếu đã đầy rồi, còn rót làm gì nữa chứ?"

Bài học rút ra:

Ý của vị thiền sư là, nếu người kia đã có trình độ cao siêu, sao còn phải đến chỗ ông thỉnh giáo làm gì?

Trong cuộc sống, nếu như muốn học được nhiều thứ hay ho hơn ngoài thế giới, ta trước hết phải tự biến mình thành "một cái ly rỗng" thì mới có thể chứa đựng được những kiến thức mới.

Đừng kiêu ngạo, tự mãn cho rằng mình đã biết hết vì kiến thức bao la như biển cả, chẳng ai có thể học hết được mọi thứ trên đời này.

Lời Phật dạy về khiêm tốn là gì?

Lời Phật dạy về khiêm tốn: Đức hạnh khiêm nhường mới là đỉnh cao của sự tu dưỡng

Hai câu chuyện trên đây chính là tinh túy trong lời Phật dạy về khiêm tốn.

Khiêm tốn là đức hạnh tu dưỡng cao siêu mà ai cũng phải học suốt đời. Khiêm tốn trong việc học, việc tu thân dưỡng tính, việc giao tiếp giữa người với người.

Càng học cao học rộng thì càng phải khiêm tốn. Còn nếu học nhiều mà đối xử tự cao, khinh khi với cha mẹ, anh em, thầy cô, người thân... thì bản thân sẽ trở thành liều thuốc độc gây hại, đánh mất vầng hào quang trong mắt người xung quanh và tự chuốc lấy đau khổ.

Con người dù giàu hay nghèo, nhưng học được cách lắng nghe, khiêm tốn trong từng lời nói cử chỉ thì chắc chắn sẽ được người khác kính nể, yêu quý. Đó chính là phúc báo.

Còn nói quá nhiều, lại nói những lời vô ích, tự cao tự đắc, đơm đặt bịa chuyện thì chỉ khiến người khác chán ghét, coi thường. Đó chính là nghiệp báo.

Phật dạy, nền tảng của lương thiện là khiêm tốn, khởi nguồn của tà ác chính là ngạo mạn. Lúa càng chín càng rũ đầu cúi thấp, nói lời khiêm tốn chính là một cảnh giới của sự tu dưỡng.

Người xưa có câu: Người đại tài có bản lĩnh thì không bao giờ nổi nóng, người trung tài có bản lĩnh đôi lúc sẽ nổi nóng; còn kẻ bất tài thì không có bản lĩnh và luôn nóng nảy.

Khiêm tốn là đỉnh cao của sự tu dưỡng bản thân

Cũng giống như nơi đất trũng thì nước sẽ tràn về nơi đó, người biết khiêm tốn sẽ có thể học được nhiều điều hay, tu dưỡng đức hạnh thanh cao, vẹn toàn bản thân, làm gương cho người khác học tập. Hơn nữa, người khiêm tốn luôn được mọi người xung quanh yên mến, quý trọng. 

Sự khiêm tốn chẳng phải ngày một, ngày hai mà có. Phải tu tâm dưỡng tính từ khi còn nhỏ, trong bất kể hoàn cảnh nào, giống như tích từng giọt nước nhỏ lâu ngày nhất định sẽ đầy chiếc lu to.

Người ngạo mạn, tự kiêu, dù công danh sự nghiệp có vẻ vang đến đâu cũng chỉ được trong chốc lát. Bởi những người như vậy không đủ phúc đức nên không thể nuôi dưỡng được lâu dài.

Ngày ngày cầu công danh, giàu sang phúc quý nhưng không khiêm tốn thì khó mà đạt được thành tựu như mong ước.

Một vị lão hòa thượng có nói rằng: Tu là từ mẫn vật, khiêm tốn tự y, thiên ti tọa xứ, thuyết luật pháp ngữ, kiến quá mặc nhiên.

Nghĩa là, người tu hành phải có lòng yêu thương vạn vật, phải biết khiêm tốn, nhún nhường, hiểu được bổn phận của bản thân, luận bàn mọi việc theo lời Phật dạy, tự sám hối về lỗi lầm của bản thân, chớ nên tìm lỗi của người khác.

Khiêm tốn còn giúp ta nhận ra những thiếu sót của bản thân để sửa đổi; vì không kiêu căng ngạo mạn nên luôn sẵn sàng lắng nghe ý kiến đóng góp của người khác để hoàn thiện bản thân.

Sự khiêm tốn sẽ giúp người ta đứng vững trên đỉnh cao danh vọng và được nhiều người ủng hộ, giúp đỡ, kính trọng.

Trái lại, những kẻ tự mãn cho mình là tài giỏi mà khinh bỉ người xung quanh sẽ ít thành công và đạt được danh vọng như ý muốn. Những người như vậy thường thất bại vì sự ganh ghét, đố kỵ của người khác.

Làm thế nào để rèn luyện được đức tính khiêm tốn?

- Học cách im lặng:

Phật dạy muốn khiêm tốn, trước hết ta phải học cách im lặng. Bởi chỉ khi im lặng thì trí tuệ mới sinh ra sự minh mẫn, và im lặng mới có sự sâu lắng càng cao.

Có những trường hợp bắt buộc phải nói, nhưng nói đủ, nói đúng, nói hợp hoàn cảnh.

Ông bà xưa có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Cái gì cũng cần phải học và im lặng cũng vậy.

Chúng ta phải học cách khi nào nên nói, khi nào nên im lặng. Im lặng là sức mạnh, không ganh đua với kẻ tiểu nhân, không tranh luận với người không cùng trình độ và không cãi cự với người tự kiêu luôn cho mình là đúng.

Làm được những điều đó là ta đã nhẫn nhịn khi cần thiết, ấy chính là khiêm tốn.

- Học cách lắng nghe và biết ơn:

Hãy mở tâm trí và lắng nghe những ý kiến của người khác. Nếu bạn đúng, đừng sợ lời nói của người khác ảnh hưởng đến cảm xúc hay suy nghĩ của bạn.

Lắng nghe còn giúp ta nhận ra được những điều ta chưa biết, chưa hiểu để không đưa ra quyết định sai lầm.

Không chỉ lắng nghe, ta còn phải biết ơn những gì mình đang có. Biết ơn để nhận ra những thiếu sót của mình chứ không phải đi soi mói, bới lỗi lầm của người khác. 

- Phải có lòng bao dung:

Nếu không có lòng bao dung, sẽ chẳng thể có được sự khiêm tốn. Bao dung để dung nạp mọi thứ, bao dung để thứ tha và bao dung để tâm nhẹ lòng an.

Khổng Tử nói: “Người bao dung, thiện lương sẽ có được cảm tình của mọi người”.

Lão Tử nói: “Sông và biển mênh mông sâu thẳm là do chúng ở vị trí thấp để nhận nước từ những khe suối nhỏ bé từ khắp nơi”.

Vì thế, điều quan trọng khi rèn luyện khiêm tốn là phải học cách bao dung với cuộc đời. 

Vậy là, Lời Phật dạy về khiêm tốn giúp ta hiểu ra rằng chỉ khi nào con người biết khiêm tốn thì mới dễ thành công và nhận được phúc báo. 

Làm người phải biết khiêm tốn, lấy khiêm nhường làm thước đo để hành xử. Đó mới chính là đỉnh cao của sự tu dưỡng bản thân.

Theo Lichngaytot

Vui lòng trích dẫn link nguồn khi copy nội dung bài viết này! Trân trọng cảm ơn

Bài cũ hơn
Bài mới hơn

post written by:

0 comments: