4/10/19

Brazil: Dự án diệt muỗi bằng chỉnh sửa gen bị phản tác dụng

Nhằm diệt muỗi ở Brazil, các nhà khoa học đã tiến hành thí nghiệm: thả hàng chục triệu con muỗi biến đổi gen ra môi trường. Thí nghiệm này đã thất bại thảm hại và thậm chí còn có thể tạo ra một giống muỗi hung hãn hơn.


Brazil: Dự án diệt muỗi bằng chỉnh sửa gen bị phản tác dụng
Mục đích của việc thả những con muỗi biến đổi gen vào môi trường tự nhiên là để khiến cho “hậu duệ” của chúng trở nên vô sinh. (Ảnh: Shutterstock)

Công ty công nghệ sinh học của Anh có tên Oxitec đã thực hiện một dự án kể từ năm 2013 tại Jacobina (Brazil) nhằm giảm tới 90% số lượng muỗi ở đây nhưng vẫn bảo tồn tính toàn vẹn di truyền của quần thể côn trùng này tại bản địa. Trong mỗi tuần, họ sẽ thả 450.000 con muỗi ra môi trường, kéo dài 27 tháng, như vậy tổng số muỗi sẽ lên tới hàng chục triệu con.

Mục tiêu chính của dự án là ngăn chặn sự lây lan của các bệnh do muỗi gây ra, như sốt vàng da, sốt xuất huyết, nhiễm virus chikungunya và Zika. Phương pháp là thả ra ngoài nửa triệu con muỗi (có số hiệu thí nghiệm OX513A), vốn là phiên bản biến đổi gen của muỗi Aedes aegypti, được phối giống giữa hai loài muỗi ở Mexico và Cuba.

OX513A có chứa một loại gen trội “chết chóc”, sẽ tạo ra một thế hệ con cái không có khả năng sinh sản (kèm theo gen biến đổi màu, đánh dấu các con “vô sinh” bằng màu xanh lá cây huỳnh quang).

Tuy nhiên, sự sống luôn tìm ra cách để sinh sôi.

“Các gen lạ trong loài muỗi được thả vào môi trường sẽ không xâm nhập vào quần thể muỗi ở địa phương bởi thế hệ sau của chúng sẽ chết,” nhà sinh vật học Jeffrey Powell, một trong những tác giả của nghiên cứu về cuộc thí nghiệm biến đổi gen ở muỗi cho biết. “Tuy vậy, điều này đã không xảy ra.”

Nghiên cứu ban đầu của Oxitec cho thấy chỉ có 3-4% số hậu duệ của giống OX513A là có thể sống sót đến tuổi trưởng thành và chúng cũng quá yếu nên không thể sinh sản. Trên thực tế, những dự đoán này đã sai. Rất sai lầm.

Cụ thể, tại bất cứ khu vực nào cũng có từ 10 – 60% số muỗi (con số do ông Powell và nhóm của mình đưa ra trong nghiên cứu trên) có bộ gen của OX513A. Mặc dù đã đạt được hiệu quả ban đầu – số lượng muỗi giảm đáng kể, nhưng chúng bỗng tăng trở lại sau khoảng 18 tháng. Hóa ra, muỗi cái đã không thực hiện việc giao phối với những con muỗi biến đổi gen yếu hơn. Hiện tượng này được gọi là “kỳ thị giao phối,” ông Powell và nhóm nghiên cứu cho biết.

Một số loài muỗi biến đổi gen thậm chí còn có dấu hiệu của “ưu thế lai” (hybrid vigor), trong đó sự đa dạng di truyền được đưa vào thí nghiệm nhân tạo đã làm cho muỗi trở nên mạnh mẽ và dẻo dai hơn, từ đó tăng khả năng kháng thuốc diệt côn trùng, Powell và các đồng tác giả cho hay.

Phía Oxitec đang phải đối mặt với rất nhiều cáo buộc từ các nhà khoa học khác nhau trên thế giới. Cụ thể, nhà sinh vật học người Brazil, José Maria Gusman Ferraz cho biết trên tờ Folha (Brazil): “Việc thả muỗi ra ngoài môi trường đã được thực hiện một cách vội vàng khi chưa có đủ cơ sở khoa học.”

Ngoài ra, ông Christoph Then, giám đốc phòng nghiên cứu thí nghiệm Testbiotech (có trụ sở tại Munich, Đức) phát biểu trên hãng thông tấn xã DPA (Đức): “Oxitech đã tiến hành thử nghiệm thực địa mà chưa có nghiên cứu đầy đủ. Điều này có thể gây ra những hậu quả khôn lường.”

Tuy nhiên, phía đại diện của công ty Oxitec lại cho rằng nghiên cứu này “có nhiều sai lệch, thiếu căn cứ và chỉ là đồn đoán.” Oxitec cho biết hiện tượng “kỳ thị giao phối” chưa bao giờ xảy ra với khoảng 1 tỷ con muỗi đực biến đổi gen do công ty này “phóng thích” trên toàn thế giới.

Do phản bác từ phía công ty Oxitec, nghiên cứu trên Nature của nhóm Jeffrey Powell hiện đang để thông báo “tranh cãi” và đang được xem xét, nhưng vẫn chưa có kết luận thay đổi nào.

Theo New Atlas, RT
Phan Anh - Trithucvn

Vui lòng trích dẫn link nguồn khi copy nội dung bài viết này! Trân trọng cảm ơn

Bài cũ hơn
Bài mới hơn

post written by:

0 comments: